BIÊN GIỚI CANADA – MỸ

Biên giới Mỹ và Canada là đường biên giới phân chia hai nước Mỹ và Canada. Đây là biên giới quốc tế dài nhất trên thế giới giữa hai quốc gia. Biên giới trên cạn (bao gồm biên giới ở các vùng nước Ngũ Đại Hồ, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) dài 8.891 km (5.525 mi), trong đó 2.475 km (1.538 mi) là biên giới giữa Alaska với British Columbia và Yukon. Các cơ quan hiện chịu trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại hợp pháp qua biên giới Mỹ và Canada là Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) và Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA).

BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA, NƠI CÂY KHÔNG THỂ MỌC
Trên thực tế biên giới giữa Mỹ và Canada hay còn được gọi là đường “The Slash” (đường cắt) kéo dài gần 9.000km từ Thái Bình Dương cho đến Đại Tây Dương, đi qua đất liền, biển và những vùng hoang dã nguyên sơ. Mặc dù vậy, đường biên giới tại đây không phải là một ranh giới vô hình trên bản đồ, mà rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường bởi một con đường không cây rộng 6m kéo dài xuyên qua khu rừng.

Biên giới Mỹ và Canada nơi cây không thể mọc
Mục đích tạo ra “The Slash”
Theo IBC ban đầu việc phá rừng tạo nên “The Slash” với mục đích duy nhất là để “người bình thường biết rằng họ đang đứng trên biên giới”. Vì khu vực biên giới Mỹ và Canada phần lớn nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh số người đến đó còn ít hơn cả gấu hoang. Rừng cứ nối tiếp rừng, các cột mốc thì nằm xa nhau nên rất dễ đi lạc và tiến sâu vào lãnh thổ nước kia, thì lúc đó “The Slash” sẽ huy ý nghĩa. Cây cối trên “The Slash” bị chặt đi để đánh dấu, và hơn 8000 cột mốc biên giới cũ bị phá dỡ – phần lớn vẫn còn đứng song song với biên giới hiện tại.

Ai phụ trách duy trì “The Slash”
Do đây là biên giới hai nước nên nhiệm vụ duy trì “The Slash” thuộc về cả hai quốc gia, mỗi bên chịu trách nhiệm 3m. Theo IBC báo cáo rằng hàng năm Mỹ chi 1,4 triệu USD cho việc dọn dẹp cây ở đường biên giới Mỹ và Canada, giá này tương đương với mức thuế 0,5 cent hàng năm mà mỗi công dân Mỹ phải đóng. Và cứ 6 năm một lần, hoạt động cắt tỉa quy mô lớn lại diễn ra một lần để đảm bảo đường cắt này luôn hiện hữu.

Thú vị xoay quanh “The Slash”
Theo góc nhìn từ trên cao thì đường biên giới trông như một đường thẳng tắp chạy dài qua các vùng hoang dã và có thể nhìn thấy từ hình ảnh vệ tinh. Nhưng đáng tiếc là những năm 1840 chưa có hệ thống định vị GPS, vì vậy đường biên giới bị đánh dấu theo lối zig-zag, lệch về phía bắc hoặc nam so với vĩ tuyến 49 khoảng vài chục m và dẫn đến trường hợp của góc Tây Bắc, khiến Mỹ có thêm một vùng đất rộng 1,225.7 km2 với dân số khoảng 119 người. Và chỉ có thể đến đây bằng cách đi thuyền từ Mỹ hay phải vòng qua Canada để có thể tiếp cận khu vực này.

Làm thế nào để chiêm ngưỡng “The Slash”?
Dù không phải là một đường thẳng hoàn hảo, tận mắt nhìn thấy “The Slash” vẫn là mục tiêu của hàng nghìn người đam mê địa lý trên thế giới. Cách đơn giản nhất là mở Google Maps, phóng to về phía biên giới Mỹ và Canada và chuyển sang chế độ vệ tinh. Những ai muốn trải nghiệm chân thực hơn có thể đến Newport (bang Vermont, Mỹ) và lên một du thuyền rong ruổi dọc đường biên giới.

Một cách khác để ngắm nhìn “The Slash” là ghé thăm công viên Waterton-Glacier International Peace, đi bộ trên cung đường mòn ngắm cảnh Pacific Crest Trail (PCT) hoặc Continental Divide National Scenic Trail (CDT) đến Canada.

THÁC NIAGARA HÙNG VĨ Ở BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA
Thác Niagara
Trải dài qua biên giới Mỹ và Canada, thác Niagara là đường biên giới tự nhiên tuyệt đẹp nằm giữa bang New York của Mỹ và tỉnh Ontario của Canada, bao gồm 3 thác: Horseshoe (hay Thác Canada), thác Mỹ và thác Bridal Veil. Cả ba thác nước bắt nguồn từ sông Niagara, dòng sông rộng lớn dài 58km từ hồ Erie đến hồ Ontario. Trong đó, Horseshoe là thác rộng nhất và cao nhất trong ba thác, chiều ngang hơn 670m, dòng nước đổ từ độ cao 57m. Thác Mỹ đứng thứ hai với chiều rộng hơn 286m, độ cao khoảng 27m. Còn Bridal Veil cao tương đương thác Mỹ, nhưng chiều rộng chỉ hơn 13m. Với hơn 168.000 m³ nước rơi xuống mỗi phút vào thời điểm nhiều nhất, và trung bình gần 110.000 m³ mỗi phút, đây là thác nước mạnh nhất ở Bắc Mỹ và là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Châu Mỹ. Cả hai đất nước đều tạo điều kiện để cho du khách được chiêm ngưỡng dòng thác một cách an toàn và trọn vẹn.

 

Địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Niagara
Thác Niagara tọa lạc khoảng 20 phút đi từ thành phố Buffalo của Hoa Kỳ và Toronto của Canada. Tuy nằm ngay đường biên giới của hai nước Canada và Mỹ, nhưng mỗi hai bờ thác lại mang những nét đẹp khác nhau. Những địa điểm có thể ngắm trọn vẹn ngọn thác hùng vĩ này bao gồm công viên Queen Victoria Park (Canada), điểm ngắm Prospect Point sát sườn ngọn tháp ở phía lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc cầu Rainbow Bridge nối liền hai bờ Canada và Mỹ, cho phép du khách dạo bước ngay phía trên ngọn thác tuyệt đẹp này.

Ở phía bờ Canada, khung cảnh thác hoành tráng hơn so với bờ nước Mỹ, với nhiều phong cảnh xinh đẹp dọc bờ sông Niagara. Có rất nhiều khách sạn, sòng bài với nhiều cửa hàng buôn bán mọc lên ở khu vực thác Niagara thuộc tỉnh Ontario, Canada. Đến nỗi khi đến đây bạn sẽ có cảm giác như là lạc vào một công viên giải trí vậy. Bạn có thể đi tàu Hornblower để khám phá hệ thống thủy điện theo lối kiến trúc cổ xưa còn lưu lại trên các vách đá, hay có thể mua vé với hướng đi vòng sau thác nước, hoặc thử trải nghiệm một số trò chơi như chơi đu quay, đi zipline quanh bờ vực, công viên khủng long, nhà ma…

Trái ngược với Canada ồn ào, thác Niagara nhìn từ Mỹ có phần trầm lắng hơn, bạn sẽ có được cảm xúc thực sự về dòng sông cuồn cuộn nguồn năng lượng mạnh mẽ không ngừng nghỉ. Bạn nên chọn tour leo lên đỉnh cả ba thác nhỏ hoặc mua vé xuống hang Gió, đứng tại cửa hang, nơi thác đổ trực tiếp xuống, và cảm nhận sự khủng khiếp của sức gió và sức nước.

Nếu có dịp đến Niagara, bạn nên dành thời gian ngắm nhìn ngọn thác này từ phía tỉnh Ontario (Canada) cũng như từ tiểu bang New York (Mỹ). Mỗi bên thác sẽ cho bạn một cảm nhận rất riêng, không chỉ về khung cảnh thiên nhiên mà còn về trải nghiệm cảm xúc.

BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA, NƠI CẦN HỘ CHIẾU MỚI ĐƯỢC SANG NHÀ HÀNG XÓM
Biên giới Mỹ và Canada chạy giữa một con phố được phân cách bởi một đường kẻ vàng giữa hai làn xe cộ chia đôi con phố này, một nửa thuộc về thành phố Stanstead thuộc Quebec của Canada; nửa còn lại là Beebe Plain, một khu đô thị ở Vermont của Mỹ.

Đoạn đường hơn 500m có tên Canusa Street trên bản đồ Vermont (Mỹ) còn người dân Quebec (Canada) gọi nó là Rue Canusa. Canusa nghe có vẻ trừu tượng nhưng nó chính là cách ghép của Canada và USA, là một trong những đường biên giới kỳ lạ nhất trên thế giới.

Trước cuộc khủng bố vào ngày 11/9/2001 tại Mỹ thì người dân nơi đây qua lại hai biên giới một cách tự do, họ là những người hàng xóm thân thiết. Thế nhưng sau ngày 11/9 thì Mỹ đã thắt chặt an ninh, nơi đây được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn. Chính vì vậy, người dân phải cầm hộ chiếu nếu muốn qua bên kia vạch kẻ đường, hay qua nhà hàng xóm của mình chơi. Người dân nơi đây cảm thấy tiếc nuối khi những người hàng xóm thân thiết một thời giờ bị xa cách hơn vì tấm hộ chiếu.

BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA, NƠI CỬA KHẨU CHỈ ĐI ĐƯỢC MỘT CHIỀU.
Hầu hết những cửa khẩu trên thế giới đều đi được hai chiều, từ nước này sang nước kia và ngược lại. Thế nhưng ở cửa khẩu Mỹ và Canada thì không như vậy, Ở đây có hai cửa khẩu, bạn chỉ có thể đi một chiều, nếu mà muốn quay lại quốc gia của mình thì vui lòng đến với một cửa khẩu khác.

BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA TẠO RA THỊ TRẤN MỸ BƠ VƠ GIỮA ĐẤT CANADA.
Thị trấn Point Roberts thuộc Mỹ nhưng nằm trong lãnh thổ Canada, nên dù là công dân Mỹ khi tới đây vẫn cần mang theo hộ chiếu.

Point Roberts nằm trên mũi cực nam của bán đảo Tsawwassen, phía nam Vancouver, British Columbia, Canada dù thuộc Mỹ. Con đường duy nhất trên đất liền dẫn đến phần lãnh thổ này của nước Mỹ thì lại nằm trọn vẹn trong đất Canada. Thị trấn hơn 1.300 người này có một bệnh viện, đồn cảnh sát, đồn cứu hoả, thư viện, bến du thuyền và một trường tiểu học.

Bởi vị trí địa lý độc đáo, cư dân trong vùng cũng có cuộc sống kỳ lạ. Hàng ngày, đông đảo người Canada sống ngay về phía bắc Point Roberts phải vượt biên để đi chợ, đổ xăng – bởi giá cả tại Mỹ rẻ bằng 1/3 nước họ. Không ít thực khách của xứ sở lá phong cũng không ngại xuất ngoại để thưởng thức burger bò tái vừa – thứ không tồn tại ở Vancouver vì luật vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe. Point Roberts còn an toàn đến lạ thường nhờ an ninh biên giới nghiêm ngặt mà tỷ lệ tội phạm tại thị trấn này thấp hơn so với toàn bang Washington đến ba lần.

Thị trấn có một ngôi trường đủ cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Do đó, lũ trẻ phải xuất ngoại để xuyên qua bán đảo Tsawwassen, vòng qua thành phố White Rock của Canada, để cuối cùng lại nhập cảnh ở Blaine, Washington để đi học những lớp còn lại. Đường đi học hàng ngày của bọn trẻ dài khoảng 40 phút chiều đi, 40 phút chiều về, tổng cộng 4 lần xuất nhập cảnh.

Người dân Point Roberts giờ chỉ có thể xuất ngoại để đi làm, khám bệnh tại Mỹ và không được phép dừng lại trong lãnh thổ Canada trong suốt hành trình. Những cách còn lại để họ vào đất liền Mỹ là đi tàu thuyền tư nhân, hoặc chuyến bay hai lần một tuần đến Bellingham, Washington với giá vé 135 USD.

BIÊN GIỚI MỸ VÀ CANADA XUYÊN QUA NHỮNG TÒA NHÀ
Thư viện nằm giữa biên giới Mỹ và Canada
Gần con phố Canusa là thư viện Haskell Free, một tòa nhà nằm giữa biên giới Mỹ và Canada. Nơi đây tồn tại một đường biên giới mong manh, đó là một đường kẻ đen ở trong thư viện đánh dấu phân cách giữa Mỹ và Canada. Tòa nhà được xây dựng từ thế kỷ XX do một cặp vợ chồng hai quốc tịch Mỹ và Canada dành tặng cho công dân của hai nước. Nhờ sự xuất hiện của tòa nhà này, mà đường biên giới tại khu vực thị trấn Beebe Plain (Mỹ) và Stanstead (Canada) bình yên cũng như đẹp mắt hơn, thay vì những bức tường cao chót vót, lạnh lẽo, hay những hàng rào thép gai lổm chổm thì mọi thứ ở biên giới tại đây trở nên rất dễ chịu. Cả công dân hai nước đều có quyền bình đẳng để bước vào tòa nhà nằm giữa Mỹ và Canada. Và bởi vì nơi đây vốn là thư viện nên những người Mỹ có thể ngồi hàng giờ đọc sách trên phần đất của Canada và ngược lại. Ngày nay thì người dân đến với thư viện Haskell Free chủ yếu là để thăm quan, check in, chụp hình thay vì đọc sách bởi vị trí địa lý độc đáo của nó. Thư viện này biến đường biên giới Mỹ và Canada trở nên thân thiện hơn rất nhiều

 

Thư viện Haskell Free nằm giữa biên giới Mỹ và Canada
Ngôi nhà nằm giữa biên giới Mỹ và Canada
Phía cuối con phố Canusa là một ngôi nhà có thể mở cửa sang cả Mỹ lẫn Canada. Hãy thử tưởng tượng bạn đứng ở cửa nhà, một đầu là đất Mỹ, một bên là Canada thì sẽ như thế nào? Thật tuyệt đúng không? Nhưng chưa chắn đâu. Chủ của ngôi nhà đặc biệt này là cặp vợ chồng mang hai quốc tịch Mỹ và Canada. Họ từng rao bán căn bất động sản hơn 650m2 này với mức giá rẻ. Bởi vì họ đã gặp rất nhiều sự phiền toái và kỳ quặc khi sống ở một ngôi nhà có vị thế khác lạ. Có lần một sĩ quan biên phòng mới từ phía Canada nhìn thấy gia đình họ đứng trước cửa nhà – nơi họ tiến “5m vào đất Mỹ”. Sĩ quan này yêu cầu cả gia đình báo cáo với trạm biên phòng Canada và họ mất 45 phút để giải quyết trên chính căn nhà của mình. Thật kỳ quặc khi không thể đi lối này hay lối kia quanh nhà của mình mà phải đi qua cửa khẩu để quay về.

admin

0 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *