Hong Kong

Kinh nghiệm du lịch Hong Kong - xứ cảng thơm say lòng du khách

Hong Kong (Hồng Kông) là một trong những thành phố phát triển nhất Châu Á, tự hào là trung tâm tài chính quan trọng và tập trung nhiều tòa cao ốc chọc trời nhất trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại thì Hồng Kông có hơn 1200 toà nhà cao ốc, gần gấp đôi so với thành phố New York. Bên cạnh đó, Hong Kong còn được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” ở Châu Á. Vì thế không chỉ là tham quan, vui chơi mà du khách còn thoả sức tìm mua được nhiều mặt hàng từ cao cấp đến bình dân khi du lịch Hong Kong.

Hong Kong là một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (cùng với Ma Cao). Thành phố Hồng Kông cũng là một trong những đô thị có mật độ dân số đông và cao nhất trên thế giới. Là một khu vực hành chính tự trị đặc biệt nên Hồng Kông cũng duy trì các hệ thống chính trị, quản lý, luật pháp, giáo dục, bầu cử và kinh tế tách biệt hoàn toàn với các hệ thống của Trung Quốc đại lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Hầu hết người dân sinh ra ở đây đều được đặt tên riêng theo tên gọi của người Anh, sở hữu hộ chiếu, tiền tệ, mô hình kinh tế, hệ thống giáo dục riêng. Đồng thời họ có xu hướng tự xác định bản thân mình là người Hồng Kông hơn là người Trung Quốc.

Diện tích:  2.755 km2 (1.064 dặm vuông Anh), chủ yếu bao gồm đảo Hồng Kông, Đại Tự Sơn (Lantau Island), bán đảo Cửu Long và Tân Giới (New Territories). Trong số đó, diện tích đất là 1.073 km2 (414 dặm vuông Anh) và 35 km2 (14 dặm vuông Anh) là nước. Tổng cộng, Hồng Kông bao gồm một tập hợp 263 hòn đảo ở Biển Đông, trong đó Đại Tự Sơn là đảo lớn nhất. Đảo Hồng Kông là đảo lớn thứ hai và đông dân nhất. Áp Lợi Châu là một trong các đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Tên gọi:

Như sử sách đã ghi chép thì tên gọi của vùng lãnh thổ này lần đầu tiên được viết bằng chữ La tinh là “He-Ong-Kong” vào năm 1780. Lúc đó thì tên gọi này được dùng để chỉ một vịnh nhỏ nằm giữa đảo Aberdeen và bờ biển phía Nam đảo Hồng Kông. Aberdeen từng là nơi diễn ra cuộc chạm trán ban đầu giữa các thủy thủ người Anh và ngư dân bản xứ. Tuy nhiên thì nguồn gốc của cái tên la tinh này vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Có người cho rằng đây là bản phiên âm ban đầu của cách phát âm trong tiếng Quảng Đông là “hēung góng” có nghĩa là “bến cảng thơm” hay “bến cảng hương”. Từ “Thơm” có thể chỉ hương vị ngọt ngào của dòng nước ngọt từ các cảng quanh sông Châu Giang hoặc là từ mùi hương của các công xưởng sản xuất nhang nằm dọc theo bờ biển phía bắc Cửu Long. Những que hương này trước khi xuất khẩu từng được cất giữ gần cảng Aberdeen. Trái lại thì Thống đốc thứ hai của Hồng Kông là Sir John Davis thì cho rằng cái tên bắt nguồn từ “Hoong-keang” nghĩa là “dòng nước đỏ”, ý nói về màu đất ở quanh khu vực thác nước trên hòn đảo chảy qua.

Cái tên gọi giản thể Hong Kong được sử dụng thường xuyên vào năm 1810. Ngoài ra thì nó cũng thường được viết dưới dạng từ đơn “Hongkong” cho mãi đến năm 1926 chính phủ mới chính thức áp dụng tên “Hong Kong”. Vì thế có một số tập đoàn được thành lập trong thời kỳ đầu vẫn còn giữ tên Hongkong viết dính liền với nhau như Hongkong Land, Hongkong Electric Company, Hongkong and Shanghai Hotels và Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC).

Với du khách Việt Nam thì thường viết bằng nhiều cách như Hong Kong, Hongkong hoặc Hồng Kông đều có. Còn gọi thì ngoài cái tên Hong Kong thì thành phố này còn có biệt danh là Hương Cảng hay là xứ Cảng Thơm.

Thông tin cần biết về Hong Kong:

  • Tên chính thức: Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
  • Quốc gia: Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa)
  • Diện tích: 2.755 km2
  • Dân số: 7.500.700 người
  • Ngôn ngữ: tiếng Trung, tiếng Anh
  • Tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo
  • Múi giờ: UTC+8
  • Mã điện thoại: +852
  • Tiền tệ: Đô la Hồng Kông (kí hiệu: HKD)

Hồng Kông sau 25 năm về Trung Quốc: Sóng gió và tương lai

Lịch sử:

Các nghiên cứu khảo cổ học đã xác nhận sự tồn tại của con người tại khu vực Xích Liệp Giác (hòn đảo ở vùng biển phía Tây Hong Kong) từ 35.000 đến 39.000 năm trước đây, và tại bán đảo Tây Cống (ở cực Đông khu Tân Giới của Hong Kong) từ 6.000 năm trước đây. Những hiện vật thời đại đồ đá mới được khai quật cho thấy sự khác biệt văn hóa ở vùng đất này với văn hóa Long Sơn của miền Bắc Trung Quốc. Ngoài ra những nhà khảo cổ còn phát hiện ra tám bãi đá khắc trên các đảo xung quanh với niên đại có từ thời nhà Thương tại Trung Quốc.

Vào năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã chinh phục các bộ lạc Bách Việt tại khu vực Lưỡng Quảng để sáp nhập vào Trung Hoa. Hong Kong khi đó là thuộc về địa phận quận Nam Hải và gần thủ phủ Phiên Ngung. Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 204 TCN, khu vực này hợp nhất vào vương quốc Nam Việt do tướng Triệu Đà lập ra. Khi Hán Vũ Đế tiến hành chinh phục Nam Việt vào năm 111 TCN thì được quy thuộc vào bộ Giao Chỉ của nhà Hán. Trong thời kỳ nhà Đường, vào năm 736 thì vua Đường Huyền Tông đã thiết lập một đồn quân sự tại Đồn Môn (là một quận thuộc Hong Kong) để phòng thủ khu vực ven biển trong vùng. Sau đó dưới thời Bắc Tống thì Lực Doanh thư viện được thành lập vào khoảng năm 1075 tại Tân Giới. Khi bị người Mông Cổ xâm lược vào năm 1276, triều đình Nam Tống đã chuyển đến Phúc Kiến, sau đó đến đảo Lạn Đầu và đến Tống Vương Đài (nay là Cửu Long Thành).

Người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Hong Kong là một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha vào năm 1513. Sau khi thiết lập nên các điểm định cư trong khu vực, các thương gia Bồ Đào Nha bắt đầu mua bán ở khu vực miền Nam Trung Quốc. Cùng lúc đó họ tiến hành xâm chiếm và xây dựng công sự quân sự tại Đồn Môn nên đã xảy ra xung đột quân sự khiến người Bồ Đào Nha bị trục xuất. Vào giữa thế kỷ XVI, lệnh Hải cấm nghiêm cấm các hoạt động hàng hải và ngăn chặn việc tiếp xúc với người ngoại quốc cũng như hạn chế hoạt động trên biển của địa phương. Đến năm 1839, triều đình nhà Thanh từ chối nhập khẩu thuốc phiện nên giữa Đại Thanh và nước Anh đã nổ ra cuộc chiến tranh nha phiến. Quân Anh chiếm đảo Hồng Kông ngày 20/01/1841 và ban đầu được nhượng lại theo thỏa ước Xuyên Tị nhưng mà thỏa thuận này đã không được phê chuẩn do tranh cãi giữa các quan chức cấp cao của cả hai chính phủ. Cho đến ngày 29/08/1842, Trung Quốc mới chính thức nhượng lại vĩnh viễn hòn đảo Hong Kong cho nước Anh theo Điều ước Nam Kinh. Đến năm 1860, sau Chiến tranh nha phiến lần thứ 2 thì bán đảo Cửu Long lại tiếp tục bị sáp nhập và lãnh thổ này còn mở rộng thêm vào năm 1898 khi người Anh tiến hành “thuê” vùng Tân Giới trong vòng 99 năm.

Thời kỳ Hong Kong thành thuộc địa của quân Nhật bắt đầu từ ngày 25/12/1941 khi Đế quốc Nhật Bản tiến hành xâm lược vùng lãnh thổ này và quân Anh đã thất bại. Đến ngày 30/08/1945, khi quân Nhật thua và đầu hàng quân Đồng Minh thì Hong Kong mới quay trở về thuộc Anh Quốc. Khi thời hạn thuê Tân Giới chuẩn bị kết thúc, chính phủ hai nước Trung Quốc và Anh Quốc đã thảo luận vấn đề chủ quyền Hồng Kông vào thập niên 1980. Cuối năm 1984, hai nước đã ký Tuyên bố chung Trung – Anh, đồng ý chuyển chủ quyền Hong Kong lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997. Trung Quốc đã đồng ý cai quản Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó thì thành phố này sẽ hưởng chính sách cho một mức độ tự trị cao, trừ các vấn đề về quốc phòng và ngoại giao cho đến 50 năm sau.

Địa lý:

Vị trí địa lý của Hồng Kông nằm cách Ma Cao khoảng 60 km về phía Đông ở ngay phía đối diện của đồng bằng châu thổ Châu Giang. Phần lớn thì lãnh thổ Hong Kong được bao quanh bởi Biển Đông, ngoại trừ khu vực phía Bắc giáp với thành phố đặc khu Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông dọc theo sông Thâm Quyến. Nơi sâu nhất của Hồng Kông là eo biển Loa Châu Môn với độ sâu 66 mét dưới mực nước biển, còn đỉnh cao nhất là Đại Mạo Sơn với độ cao 957 mét trên mực nước biển. Các vùng đất thấp nằm thì nằm ở phần Tây Bắc của Tân Giới và những khu phát triển đô thị tập trung ở bán đảo Cửu Long, đảo Hồng Kông và các tân thị trấn trên khắp vùng Tân Giới.

Lãnh thổ Hong Kong gồm một tập hợp 263 hòn đảo ở Biển Đông Trong đó có Đại Tự Sơn là đảo lớn nhất, đảo Hồng Kông là đảo lớn thứ hai và đông dân sinh sống nhất còn Áp Lợi Châu là một trong các đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới. Ngoài ra thì còn có vùng nước hẹp tách đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long là bến cảng Victoria – một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất trên thế giới.

Khí hậu:

Khí hậu ở Hong Kong là thuộc kiểu cận nhiệt đới và chịu ảnh hưởng của gió mùa. Mùa Xuân sẽ kéo dài từ tháng 3 – tháng 5, không khí dễ chịu và đôi khi có vài cơn mưa nhỏ. Mùa Hè là bắt đầu từ tháng 6 – tháng 8 với khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều. Đến mùa Thu từ tháng 9 – tháng 12 thì tiết trời mát mẻ dễ chịu hơn rất nhiều. Còn mùa đông khoảng từ 12 tháng – tháng 2 năm sau thì trời không lạnh lắm, không khí sẽ khô hơn và nhiệt độ trung bình là 15°C.

Với các đặc điểm khí hậu như vậy thì thời gian lý tưởng nhất để du lịch Hong Kong là tầm tháng 3 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 12. Vì lúc đó thì thời tiết mát mẻ, cảnh sắc lại tươi đẹp và không khí trong lành nên phù hợp cho các chuyến tham quan, vui chơi. Ngoài ra thì bạn cũng có thể sắp xếp thời gian khác trong năm để ghé thăm Hong Kong vẫn được, chỉ là nên hạn chế đi tầm tháng 5 – tháng 9 vì đó là lúc hay có những cơn bão xảy ra.

Văn hoá và con người:

Hong Kong thường được ví như là nơi Đông Tây hội tụ và được phản ánh từ hạ tầng kinh tế, giáo dục, văn hoá đường phố cho đến ẩm thực. Khi dạo bước trên một góc phố nào đó ở Hong Kong thì bạn sẽ nhìn thấy các tiệm thuốc truyền thống của Trung Hoa, một nhà hàng Trung Hoa với các món ăn dimsum nổi tiếng nhưng tại góc phố kế tiếp lại có thể là một quán rượu theo phong cách Anh hay là một quán thức ăn nhanh McDonald’s. Đa số người dân Hong Kong đều sử dụng được tiếng Hoa với tiếng Anh, đó cũng là 2 ngôn ngữ chính thức tại đây. Tuy là người Anh đã không còn cai trị Hong Kong nữa nhưng nền văn hóa phương Tây vẫn thấm sâu và cùng tồn tại liền mạch với triết lý, phong tục truyền thống phương Đông.

Bên cạnh việc Hồng Kông trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu thì có lẽ sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất chính là ngành giải trí, đặc biệt là thể loại võ thuật. Có rất nhiều minh tinh quốc tế xuất thân từ Hồng Kông mà ai cũng đã từng nghe tiếng tăm và hâm mộ như: Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc,… Những đạo diễn Hong Kong cũng tạo được sự nghiệp nổi bật ở Hollywood như Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Từ Văn Quang cùng nhiều biên đạo võ thuật đã thiết kế các cảnh giao chiến trong các phim Matrix trilogy, Kill Bill và Ngọa hổ tàng long. Nhà làm phim nổi tiếng Quentin Tarantino từng phát biểu là ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phim hành động Hong Kong.

Ẩm thực:

Những nhà hàng hay quán ăn ở Hong Kong đều phục vụ đa số các món ăn đặc trưng của ẩm thực Quảng Đông. Ngoài ra cũng có ảnh hưởng từ ẩm thực phương Tây, Nhật Bản do Hong Kong từng là thuộc địa của Anh Quốc với Nhật Bản lúc xưa. Nhưng dù là có phát triển hiện đại đến mấy thì hương vị ẩm thực truyền thống vẫn được người địa phương duy trì. Du khách có thể dễ dàng nhận thấy sự tươi ngon từ nguyên vật liệu cùng nhiều loại gia vị khác nhau tạo nên hương vị tinh tế cho các món ăn. Hong Kong cũng đã góp phần giúp cho ẩm thực Trung Hoa ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nếu có dịp ghé thăm Hong Kong thì du khách đừng bỏ qua một số món ăn đặc trưng dưới đây:

  • Ngỗng quay kiểu Quảng Đông: đây luôn là món phổ biến hàng đầu của thành phố Hong Kong. Món ngỗng quay là đặc sản truyền thống của Quảng Đông, những con ngỗng còn nguyên con sẽ được làm sạch, đem quay chín kỹ, cắt thành từng miếng nhỏ và nhúng vào nước sốt mận đặc biệt. Chỉ mới cắn vào là thực khách đã cảm nhận được miếng thịt mềm mọng nước cùng hương vị đậm đà.

Hong Kong Food Guide - Guide to Hong Kong Food and Restaurants

  • Dimsum: với những ai yêu thích ẩm thực Trung Hoa thì không còn xa lạ với món dimsum. Tuy rằng có khá nhiều nơi bán nhưng Hong Kong chính là một trong những địa chỉ tuyệt vời nhất để thưởng thức dimsum. Dimsum là một món ăn mà du khách phải thưởng thức khi đi tour du lịch Hồng Kông. Có khoảng hơn 150 món trong một bữa ăn Dimsum tại các nhà hàng ở đây. Hầu hết các món mà bạn thường nhìn thấy sẽ là hấp hoặc chiên như: bánh bao tôm hấp, bánh bao thịt nướng, há cảo, hoành thánh, xíu mại,…
  • Mì vằn thắn: là món mì đặc trưng được người Hong Kong ưa chuộng nhất với những sợi mì trứng vàng dai mềm, ăn kèm cùng há cảo, thịt heo thái lát, cải xanh và nước súp ngọt thanh. Không chỉ thoả mãn hương vị mà ở những cửa hàng truyền thống, đầu bếp còn biểu diễn cách làm ra những sợi mì theo phương thức thủ công sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị cho thực khách.
  • Hải sản tươi: gọi là xứ Cảng Thơm nên hải sản cũng là món ăn không thể thiếu tại Hong Kong. Khách du lịch có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi chợ hải sản với đủ loại đa dạng từ tôm, cua, sò, ốc, cá, mực,…Hải sản tươi sống vốn dĩ đã ngon rồi nên chỉ cần chế biến đơn giản để giữ hương vị ngọt vốn có của nó là được. Thực khách có thể lựa chọn một số món ăn như cá hấp xì dầu nguyên con, sò điệp xào măng tây, tôm chần tái,…
  • Lẩu khô: là món ăn truyền thống vào dịp năm mới với ý nghĩa đem lại may mắn trong cả năm. Có tên gọi là lẩu khô vì nguyên liệu được dùng để nấu món lẩu này không được nấu chín trong nước sôi như nhiều nồi lẩu thông thường mà lại hấp chín để đảm bảo giữ được hương vị đặc trưng. Một nồi lẩu khô của người Hong Kong thường gồm có những nguyên liệu như thịt bò, bào ngư, thịt gà, vây cá mập, hải sâm, da heo, mực, nấm… cùng các loại rau củ.

Ngoài ra thì Hong Kong còn có vô số món ăn khác từ ăn chính cho đến ăn vặt và tráng miệng để du khách thỏa sức lựa chọn, như là bánh bao xá xíu, cháo cá, cháo quẩy, bánh cuốn, bánh củ cải chiên, trà sữa Hong Kong, bánh tart trứng, chè,…