Turkey – Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ (Türkiye Cumhuriyeti), tên chính thức: Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, là một nước nằm trên cả lục địa Âu-Á phần lãnh thổ chính tại bán đảo Anatolia phía Tây Nam châu Á, một phần nhỏ diện tích ở vùng Balkan phía Đông Nam châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với: Bulgaria ở phía tây bắc; Hy Lạp phía tây; Gruzia, Armenia và phần Nakhichevan của Azerbaijan ở phía đông bắc; Iran phía đông; Iraq và Syria phía đông nam. Ngoài ra, nước này còn có biên giới với Biển Đen ở phía bắc; Biển Aegae và Biển Marmara phía tây; Địa Trung Hải phía nam.
Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cộng hoà dân chủ, theo hiến pháp phi tôn giáo. Hệ thống chính trị của họ đã được thành lập từ năm 1923. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Hiệp Quốc, NATO, OSCE, OECD, OIC, Cộng đồng châu Âu và đang đàm phán đề gia nhập Liên minh châu Âu. Vì có vị trí chiến lược ở giữa châu Âu và châu Á và giữa ba biển, Thổ Nhĩ Kỳ từng là ngã tư đường giữa các trung tâm kinh tế, và là nơi phát sinh cũng như nơi xảy ra các trận chiến giữa các nền văn minh lớn.
Địa lý: Lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trải dài từ 36° tới 42° Bắc và từ 26° tới 45° Đông ở vùng Âu Á. Nước này gần có hình chữ nhất và rộng 1.660 kilômét (1.031 dặm). Diện tích Thổ Nhĩ Kỳ không tính các hồ là 814.578 kilômét vuôngs (314.510 dặm vuông), trong đó 790.200 kilômét vuông (305.098 sq dặm) ở bán đảo Anatolia (cũng được gọi là Tiểu Á) ở Châu Á, và 3% hay 24.378 kilômét vuông (9.412 sq dặm) nằm ở Châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành bảy vùng: Marmara, Êgê, Địa Trung Hải, Trung Anatolia, Đông Anatolia, Đông nam Anatolia và vùng Biển Đen. Vùng đất không bằng phẳng phía bắc Anatolia chạy dọc theo Biển Đen thành một dải dài và hẹp. Vùng này chiếm khoảng 1/6 tổng diện tích đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Theo xu hướng chung, vùng cao nguyên bên trong Anatolia dần có nhiều đồi núi hơn khi đi về hướng đông.
Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành một cây cầu giữa Châu Âu và Châu Á, với đường phân chia hai châu lục chạy từ Biển đen (Karadeniz) từ hướng bắc xuống dọc theo eo biển Bospho (Istanbul Boğazı) qua eo Biển Marmara (Marmara Denizi) và Dardanelles (Çanakkale Boğazı) tới Biển Êgê (Ege Denizi) và Biển Địa Trung Hải (Akdeniz) về hướng nam.
Khí hậu: khí hậu ôn hoà Địa Trung Hải, với mùa hè nóng và khô, mùa đông lạnh ẩm và dịu, dù các điều kiện thời tiết có thể khắc nghiệt hơn ở những vùng khô cằn bên trong.
Khu vực hành chính: Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 81 tỉnh. Tỉnh thường được đặt cùng tên với thành phố thủ phủ, cũng được gọi là các trung tâm tỉnh nhỏ; ngoại trừ Hatay (thủ phủ: Antakya), Kocaeli (thủ phủ: İzmit) và Sakarya (thủ phủ: Adapazarı). Các tỉnh lớn gồm: İstanbul 11 triệu, Ankara 4 triệu, İzmir 3.5 triệu, Bursa 2.1 triệu, Tỉnh Konya 2.2 triệu, Tỉnh Adana 1.8 triệu.
Các thành phố: Thủ đô hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara, nhưng thủ đô lịch sử là İstanbul vẫn là một trung tâm văn hoá, kinh tế và tài chính quan trọng của đất nước. Các thành phố quan trọng khác gồm İzmir, Bursa, Adana, Trabzon, Malatya, Gaziantep, Erzurum, Kayseri, İzmit (Kocaeli), Konya, Mersin, Eskişehir, Diyarbakır, Antalya và Samsun. Ước tính 68% dân số Thổ Nhĩ Kỳ sống tại các vùng thành thị.
Kinh tế: Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là sự hòa trộn giữa thương mại và công nghiệp hiện đại cùng với lĩnh vực nông nghiệp truyền thống trong năm 2005 vẫn chiếm tới 30% lực lượng lao động. Thổ Nhĩ Kỳ có khu vực kinh tế tư nhân mạnh và phát triển nhanh, nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp căn bản, ngân hàng, vận tải, và viễn thông.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều cải cách trong thập niên 1980 nhằm mục đích biến nền kinh tế từ một hệ thống trì trệ, cô lập thành một nền kinh tế với lĩnh vực tư nhân chiếm phần trăm lớn hơn và dựa trên thị trường.
Những cải cách đã mang lại phát triển kinh tế cao, nhưng sự tăng trưởng này đã bị ngắt quãng bởi một cuộc khủng hoảng đột ngột và các khủng hoảng tài chính năm 1994, 1999, và 2001.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức tăng trưởng bình quân 7.5% hàng năm từ 2002 tới 2005 – một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Xã hội: Đa số dân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc dân tộc Thổ. ngoài ra còn một số dân tộc khác: Abkhazia, Albania, Ả Rập, Bosna, Chechen, Circassia, Grizia, Kabard, Kurd, Laz và Zaza.
Vì Tây Âu ngày càng có nhiều nhu cầu về lực lượng lao động trong khoảng từ 1960 đến 1980 nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã di cư sang Tây Đức, Hà Lan, Pháp và các nước Tây Âu khác, tạo thành một lực lượng đáng kể người Thổ ở nước ngoài.
Giáo dục: Có khoảng 820 viện giáo dục bậc cao gồm các trường đại học, với tổng số sinh viên khoảng hơn 1 triệu người. 15 trường đại học chính nằm ở Istanbul và Ankara. Giáo dục cấp ba (đại học và cao đẳng) thuộc trách nhiệm của Ủy ban Giáo dục Cấp cao, và được chính phủ cấp ngân sách.
Từ năm 1998 các trường đại học được trao quyền tự chủ rộng lớn hơn và được khuyến khích tìm kiếm thêm ngân quỹ từ bên ngoài thông qua hoạt động hợp tác với các ngành công nghiệp.
Có khoảng 85 trường Đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có hai kiểu trường chính, trường nhà nước và tư thục. Các trường đại học nhà nước lấy học phí rất thấp còn trường tư có mức học phí rất đắt đỏ, có thể lên tới $15 000 hay thậm chí còn cao hơn. Tổng năng lực các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ là 300.000. Một số trường có mức tiêu chuẩn cao sánh ngang với các trường tốt nhất trên thế giới, trong khi đó những trường khác chỉ đạt mức trung bình vì thiếu ngân sách hoạt động.
Ủy ban Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ điều phối các hoạt động nghiên cứu và phát triển cơ bản cũng như ứng dụng. Có 64 viện và các tổ chức nghiên cứu. Những mặt mạnh của cơ quan này là nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, công nghiệ sinh học, kỹ thuật hạt nhân, khoáng chất, vật liệu, IT và quốc phòng.
Văn hoá: Thổ Nhĩ Kỳ có một nền văn hóa rất đa dạng bắt nguồn từ nhiều yếu tố của Đế chế Ottoman, Châu Âu, và các truyền thống Hồi giáo. Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đổi thành công từ một nhà nước tôn giáo thời Đế chế Ottoman để trở thành một quốc gia hiện đại với một sự tách biệt rất rõ ràng giữa nhà nước và tôn giáo, nên sự tự do thể hiện nghệ thuật được tôn trọng rõ rệt.
Trong những năm đầu của nền cộng hoà, chính phủ đã đầu tư nhiều khoản tài nguyên vào nghệ thuật, như hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc cũng như nhiều ngành khác. Điều này được thực hiện nhờ vào cả quá trình hiện đại hóa và việc sáng tạo một bản sắc văn hóa riêng. Hiện nay kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển tới mức đủ đảm bảo cho sự tự do sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ.
Vì nhiều yếu tố lịch sử còn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ, văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ là một sự tổng hợp đáng chú ý giữa các nỗ lực rõ rệt nhằm trở thành “hiện đại” và tây phương hoá, cộng với sự cần thiết phải giữ lại truyền thống tôn giáo và các giá trị lịch sử.
Tôn giáo: 99% dân số theo Hồi giáo, đa số thuộc phái Hồi giáo Sunni. Khoảng 15-20% dân số là người Hồi giáo Alevi. Cũng có một thiểu số Twelver Shi’a nhưng có vai trò khá quan trọng, đa phần họ là con cháu người Azeri. 1% dân số còn lại, đa số là người Thiên chúa giáo (Hy Lạp chính thống, Tòa thánh Armenia (Gregoria), Chính thống Syriac, Molokans, Công giáo và Tin lành), Do Thái, Bahá’ís và Yezidis.
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tự do tôn giáo cho các cá nhân, và các cộng đồng tôn giáo nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước, nhưng hiến pháp cũng quy định rõ rằng tôn giáo không được can thiệp vào quá trình chính trị, ví dụ thông qua cách thành lập một đảng phái tôn giáo. Không đảng phái nào được tuyên bố rằng mình được hình thành để đại diện cho một niềm tin tôn giáo.